Điền dã tại Trà Vinh

Trong tâm thức mỗi thành viên của lớp Nhân học 07, cảm giác khi kể lại chuyến đi thực tế ở Trà Vinh mãi là một niềm tự hào của riêng họ. Từ khi đoàn sinh viên đến địa điểm thực tập ngày 14 tháng 4 và kết thúc bằng buổi báo cáo tư liệu ngày 23 tháng 5 vừa qua, đó là một sự làm việc khoa học nghiêm túc. 

Nó không những thể hiện sự say mê đối với ngành học mà các bạn đang theo đuổi. Mà hơn thế nữa là sự báo hiệu về một lớp sinh viên mới, với với tư duy lao động và học tập đầy chủ động và sáng tạo.
Khi theo học ngành Nhân học, chắc chắn các bạn sẽ có một dịp nào đó được đi thực tập tại thực địa nhằm áp dụng những phương pháp nghiên cứu của ngành vào việc thu thập tư liệu, và từ những tư liệu thực tiễn đó rút ra những vấn đề khoa học. Là một khoa mới thành lập, điều kiện về nhân lực và vật lực còn rất nhiều khó khăn, việc tổ chức cho sinh viên đi thực tế đã là một cố gắng rất lớn của ban chủ nhiệm khoa từ việc lập kế hoạch cho đến kinh phí và tổ chức. Vì thế mỗi khóa chỉ tổ chức cho sinh viên đi thực tế được một lần, với thời gian khoảng nửa tháng. Nhưng mỗi lần như vậy sinh viên chỉ được đi đến một địa phương, nghiên cứu tại một cộng đồng cụ thể, điều đó không thể đáp ứng được yêu cầu của ngành học với khối lượng kiến thức lớn và đa dạng về phân ngành.
Xuất phát từ nhận thức đó, những sinh viên lớp NH07 của khoa Nhân học đã tự lập kế hoạch, tự tổ chức cho mình một chuyến đi khảo sát thực tế tại Trà Vinh từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 năm 2009, nhằm tìm hiểu về lễ tết Chol Chnăm Thmey của người Khmer tại địa phương và nhìn nhận những vấn đề văn hóa xã hội dưới nhãn quan của một nghành khoa học mới – ngành Nhân học.
Trong thời gian ba ngay ngắn ngủi tại địa điểm nghiên cứu, sinh viên đã lao vào công việc của mình với lòng say mê thực sự. Bẵng những phương pháp được cung cấp trên giảng đường, vừa quan sát tham dự, vừa phỏng vấn, vừa ghi chép và sử dụng những phương tiện thu thập thông tin hiện đại khác như quay phim, chụp ảnh, ghi âm… họ ra sức tìm kiếm tư liệu, nghe giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa của từng vấn đề từ nghi lễ, tập tục, lịch sử, quan niệm cho tới những mô hình kiến trúc…
Say mê trong sự nghiêm túc nhưng cũng chứa đựng đầy cảm xúc, đó là những nghĩa tình mà người dân địa phương dành cho những nhà nghiên cứu trẻ. Ở đây, những đạo lý nhà Phật với tấm lòng từ bi, hỉ xả không phải là những giáo lý được ghi trong kinh kệ, hay những sự tích được in thành sách nữa, mà nó được áp dụng ngay vào cuộc sống đời thường, nó thể hiện trong từng hành vi từng mối quan hệ giữa người với người, giữa người với Phật và kiếp này với kiếp sau. Đắm mình trong không gian ấy để tìm hiểu về đời và đạo, có ai đó sẽ quên rằng mình đang làm công việc nghiên cứu mà là đang tận hưởng những giá trị - những thứ mà làm cho con người ta thực sự hạnh phúc. Kết thúc ba ngày tại Trà Vinh, ra về trong sự lưu luyến giữa những người dân địa phương và đoàn sinh viên, có những tâm trạng tĩnh lặng, có những nụ cười thỏa mãn, thậm chí còn có cả những giọt nước mắt chia ly nhưng tất cả họ đều ngầm nói với nhau rằng đó là một chuyến đi tuyệt vời và thành công.
Chuyến đi đã kết thúc, mỗi sinh viên viết một nhật kí về những ngày tại Trà Vinh, về những gì đã nhìn thấy, ghi chép, tìm hiểu được; nhưng công việc thì không chỉ dừng lại ở đó. Vấn đề tiếp theo là việc sử dụng tư liệu như thế nào? – đó là một công việc rất quan trọng để tư liệu thu được không trở thành vô ích. Vì thế, sinh viên cùng với thầy cô tiến hành tổ chức buổi báo cáo theo chủ đề những vấn đề liên quan đến ngày lễ Chol Chnăm Thmey của người Khơmer. Để buổi báo cáo thêm phần thi đua và nhằm khích lệ tinh thần làm việc của các nhóm học tập, lớp NH07 đã trích tiền quỹ lớp cộng với số tiền khuyến khích của thầy cô trong khoa làm giải thưởng cho các nhóm (có giải nhất , nhì, ba, và giải phản biện).
Khoảng 8 giờ sáng ngày 23 tháng 5, buổi báo cáo bắt đầu, mọi người trình bày, bảo vệ và phản biện, không khí làm việc sôi nổi nhưng dựa trên tinh thần xây dựng, chủ động và khoa học. Trong buổi báo cáo, các nhóm đã thu được nhiều kết quả như nhận thức và nắm được các lễ hội và quy trình diễn ra lễ hội trong tết Chol Chnam Thmey; Giải thích nguyên nhân sự khác nhau trong việc cử hành nghĩ lễ tại các chùa Khmer khác nhau trên những địa bàn khác nhau; Giải thích ý nghĩa các vật dâng, vật cúng trong tín ngưỡng tôn giáo của của người Khmer trong ngày tết; Xây dựng theo truyền thuyết sự tích của chùa Ông Mék; Tìm hiểu vị trí, vai trò của Sư và Acha trong đời sống tôn giáo của người Khmer tại địa điểm nghiên cứu. Đặc biệt, có nhóm đã tiếp cận một loại đối tượng mới mẻ ít thấy trong những nghiên cứu về văn hóa đó là đối tượng trẻ em, từ đó rút ra kết luận hết sức bất ngờ: Sự am hiểu về tích Phật của những em nhỏ từ 13 tuổi trở xuống hơn hẳn lứa tuổi thanh niên, điều này phần nào đã chứng tỏ ý thức giáo dục cho con trẻ về tôn giáo truyền thống của người dân ngày càng được nâng cao. Buổi báo cáo tuy thành công, nhưng còn có một số hạn chế như: báo cáo còn nặng về mô tả, hiếm thấy những kết luận mang tính khoa học. Những sai sót về mặt hình thức trình bày cũng như những hạn chế trong việc xử lý tư liệu cũng được thầy cô đánh giá nhận xét, rút kinh nghiệm cho sinh viên. Đây là những kinh nghiệm quý báu mà các sinh viên cần dùng cho những kỳ thực tập tiếp theo.
Việc đi tiền trạm rồi đến quyết định địa điểm và thời gian đi thực tế cũng nói lên một sự nhạy bén tuyệt vời của kế hoạch lần này, là việc tận dụng một sự kiện văn hóa để giúp sinh viên nghiên cứu văn hóa thông qua lễ hội - hướng tiếp cận truyền thống của nhân học văn hóa.
Kế hoạch được đưa ra và thực hiện trong khoảng thời gian gần hai tháng này là kết quả làm việc không mệt mỏi của ban cán sự lớp NH07. Từ việc góp nhặt những ý kiến, quan điểm của các thành viên trong lớp nhằm xây dựng một hướng đi mới “dài hơi” cho phong trào học tập của NH07, tới việc tạo lập một kế hoạch cụ thể đã thể hiện năng lực và tâm huyết cùng với sự chủ động của ban cán sự nói riêng và tập thể lớp nói chung. Ngoài ra, kế hoạch sẽ không thể thành công nếu không có sự đồng tình ủng hộ và hướng dẫn của các thầy cô trong khoa.
Thành công to lớn nhất là những sinh viên Nhân học đã tìm ra cho họ một hướng đi mới trong học tập và nghiên cứu. Đó là việc áp dụng ngay những kiến thức đã học vào trong thực tế nhằm kiểm chứng cũng như khẳng định hay xây dựng những vấn đề về lý thuyết. Bước đầu làm quen với phương pháp giáo dục chủ động và phát huy sự năng động sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Nguyễn Quốc Việt – Lớp NH07, Khoa Nhân học.

Nhận xét

  1. Sinh Viên : Đồng Thị Kim Cương, 0766062
    Tôi nhận thấy bài làm của nhóm Cầu vồng đã tốt và có những dẫn chứng cụ thể, làm rỏ được vấn đề mà thầy đặt ra. Sau đây tôi xin tóm tắt theo ý hiểu của tôi về các vấn đề:
    Phương pháp luận là lý luận về phương pháp; là hệ thống các quan điểm chỉ đạo việc tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp,nói cách khác thì phương pháp luận chính là cách thức chúng ta nghiên cứu có mối liên hệ giữa lý thuyết và cách mà chúng ta nghiên cứu.
    Tuy không phải là một ngành khoa học độc lập nhưng phương pháp luận là một bộ phận không thể thiếu được trong bất kỳ một ngành khoa học nào.
    Phương pháp luận nghiên cứu là cách thức mà chúng ta lựa chọn phương pháp trong nghiên cứu sao cho phù hợp với vấn đề nghiên cứu để đạt được hiệu quả cao nhất.
    Ví dụ : Huấn luận viên có nhiệm vụ hướng dẫn, bày trận đấu cho đội bóng để đội bóng có thể chơi tốt nhất và giành chiến thắng.
    Kỹ thuật nghiên cứu theo tôi nghĩ là cách thức mà chúng ta sử dụng công cụ nào đó kết hợp với phương pháp nghiên cứu để phục vụ cho việc nghiên cứu được tốt hơn.
    Ví dụ: Cầu thủ đá bóng lừa bóng vào khung thành là chính cầu thủ đang sử dụng kỹ thuật của bản thân mình với sự huấn luyện của huấn luận viên để đưa bóng vào khung thành.

    Theo tôi, không phải dự án nghiên cứu nào cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng. Tùy theo từng mục đích và đề tài nghiên cứu mà chúng ta lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính hay định lượng. Có những đề tài nghiên cứu nếu sử dụng phương pháp định lượng sẽ không làm rỏ được nội dung mà người nghiên cứu muốn nghiên cứu. Ví dụ : Muốn miêu tả mức độ một người phụ nữ bị đau khi sinh thì chỉ cần nói : “ Đau muốn chết đi được” là người ta có thể hiểu được. Nhưng còn đối với định lượng thì chỉ dùng mức độ từ 1 đến mức độ 5, vẫn không thể hiện được sự đau khi sinh của người phụ nữ.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHÂN TÍCH CÂU HỎI NGHIÊN CỨU VÀ GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU QUA ĐỀ TÀI ĐIỀU TRA DI CƯ VIỆT NAM NĂM 2004: DI DÂN VÀ SỨC KHỎE

LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP TRONG NGHIÊN CỨU NHÂN HỌC