NHÀ DÂN TỘC HỌC ĐANG Ở ĐÂU?



NHÀ DÂN TỘC HỌC ĐANG Ở ĐÂU?

(SVVN0) PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN chia sẻ về sự vắng bóng của các nhà dân tộc học - nhân học và sự đóng góp chưa tương xứng của giới này trong việc giải quyết các vấn đề nóng của xã hội đương đại

NHẬN DIỆN NHÀ NHÂN HỌC!



Thưa PGS, nếu giúp người khác hình dung về chân dung của một nhà dân tộc học - nhân học, ông sẽ nói gì?Đã xa rồi cái thời nhà dân tộc học chỉ luôn cặm cụi những cái gì của quá khứ, đi tìm những cái gọi là giá trị có tính hằng số vĩnh cửu hoặc những tàn dư của các xã hội nguyên thủy... Hiện nay dân tộc học hay còn gọi một cách khác là nhân học văn hoá, nhân học xã hội đã được nhìn ở một góc độ khác: Nhìn và phân tích xã hội trước hết bằng con mắt đương đại, bằng con người và cuộc sống đương đại.Từ cuộc sống con người đương đại, từ tâm lý và mối quan hệ xã hội đương đại… người ta sẽ lần ngược trở lại cái nền tảng của quá khứ, để giải thích sự vận hành và chuyển biến của xã hội đương đại. Đương đại là cách tiếp cận mạnh nhất của dân tộc học, nhân học và đó cũng thể hiện trách nhiệm cao nhất của các nhà khoa học này với xã hội.Theo PGS, những lúc nào thì xã hội cần sự tiên phong và lên tiếng của các nhà dân tộc học?Phải nói rằng các nhà dân tộc học của ta hiện nay đang bỏ lỡ mất thời cơ, hoặc không nắm bắt được thời cơ đó. Cho nên rất đáng buồn là trên báo chí, trên thông tin đại chúng hàng ngày thấy cuộc sống diễn ra bao nhiêu vấn đề đòi hỏi các ngành phải tham gia giải quyết, nhưng mà lại vắng bóng các nhà dân tộc học, vắng bóng các nhà nhân học xã hội và nhân học văn hoá. Rất ít tiếng nói phản biện của các nhà dân tộc học trên nhiều bình diện khác nhau của xã hội.Biết bao nhiêu câu chuyện liên quan đến nhân học đang diễn ra. Chẳng hạn mấy trận mưa vừa qua, dù chưa to nhưng đã nhấn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong ngập lụt: phố ngập, kẹt xe. Đấy không phải chỉ là việc của giao thông, của những nhà quy hoạch thành phố... Mà đấy còn là việc cần được nhìn nhận, phân tích dưới cách tiếp cận dân tộc học, nhân học văn hóa. Nhưng điều lạ hiện nay là không có ai nghiên cứu về vấn đề đấy để góp phần tìm ra giải pháp.
DÂN TỘC HỌC ỨNG DỤNG

Thử lấy chuyện Hà Nội cứ mưa là ngập, đường sá ngày càng kẹt xe. Nếu được đặt ra cho ngành nhân học ứng dụng, vấn đề trên sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?Phải nghiên cứu để hiểu rất kỹ di sản thiên nhiên và văn hóa của Hà Nội xưa kia - Hà Nội là vùng có rất nhiều hồ ao và các con sông. Nhưng hơn 50 năm qua chúng ta lấp gần hết. Đó là lỗi của con người, trước hết của người quản lý đô thị. Chúng ta làm những việc đó là không tôn trọng lịch sử, không tôn trọng di sản thiên nhiên và quy luật tự nhiên.Do vậy phải nghĩ phương án tạo ra các ao hồ, khơi lại ngay các dòng sông Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy.... Mở cho sông to ra, khơi nguồn cho nước chảy, thậm chí phải di dời nhà để mở rộng dòng sông (chứ không phải lấp đi làm cống hộp như hiện nay hay chỉ nghĩ các trạm bơm thoát nước…) như giải phóng một con đường. Câu chuỵện này Hà Nội làm quá chậm, thiếu chủ động và dường như chưa thấy lối thoát. Thủ đô của Hàn Quốc họ đã làm được như vậy đó thôi sau một thời gian phát triển không tính đến sự bền vững của môi trường .Về phương diện cá nhân, trong khả năng của mình, PGS đã ứng dụng dân tộc học thế nào trong các dự án mang tính dân sinh của mình?Năm 2008 chúng tôi có cuộc trưng bày rất là hay, có tên là "Từ làng đến phố". Bảo tàng trao máy ảnh cho người dân ở Lai Xá, huyện Hoài Đức và người dân tự kể câu chuyện cái thôn, làng của mình bị đô thị hoá như thế nào, bị mất đất ra sao bằng hình ảnh. Người ta lấy đất để làm dự án ra làm sao, và bây giờ hơn 20 ha đất bị lấy đi thì cái gì sẽ thế vào trong cuộc sống hẫng hụt của họ, công ăn việc làm ra sao, ai dạy cho những người nông dân, nam nữ, thanh niên, người luống tuổi… công ăn việc làm phù hợp, ai lo cho họ công ăn việc làm?... Mối quan hệ, thái độ và trách nhiệm của người dân, chủ dự án và người quản lý như thế nào? Đó là vấn đề nhân học.Vậy nhưng khổ nỗi những vấn đề tương tự như vậy thường vẫn bị bỏ ra ngoài công việc của những người làm nhân học, dân tộc học.Nhà nhân học cần nói những câu chuyện như thế. Để mà thấy rằng từ một câu chuyện là lấy đất cho Dự án, nhưng trách nhiệm xã hội của các nhà quản lý, trách nhiệm của các chủ Dự án phải đào tạo lại cho những người bị lấy đất, phải tạo sinh kế mới cho cuộc sống của họ. Các nhà dân tộc học phải giúp cho người dân nói được tiếng nói của mình. Đấy là cái nhìn của dân tộc học đô thị, nhân học đô thị. Tất cả sẽ đơn giản thôi, bởi nó nằm trước hết ở trái tim của mỗi nhà khoa học mà.
TÔN TRỌNG TRI THỨC BẢN ĐỊA ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC BÀI TOÁN CUỘC SỐNG

Có vẻ như đang có một cuộc thí nghiệm về các ý tưởng, mà lại còn chưa tôn trọng tri thức bản địa và quy luật tự nhiên?Anh cứ để ý một ví dụ thế này: Ngay bây giờ người ta cứ kêu ca rằng môi trường bị huỷ hoại là do bà con phá rừng, nhưng biết đâu rằng cư dân làm rẫy từ rất lâu đã rút ra những kinh nghiệm để bảo vệ cho rừng và nương rẫy không bị hủy diệt. Họ chia khoảnh ra, năm nay thì họ phát khoảnh rừng này trồng, vài năm sau đó họ chuyển sang cánh rừng khác để cho cánh rừng vừa chặt được tái sinh, họ cứ luân chuyển các khoảnh như vậy, và rừng luôn tái sinh.Còn bây giờ thì người ta khai thác liên tục, rừng cạn kiệt và chắc chắn nó bị hủy hoại. Rồi người kêu ca là đất bạc màu nhưng không biết rằng khi người dân chặt cây làm rẫy, người ta đốt thì thành tro để xử lý thành phân. Ngay khi nghiên cứu về vấn đề nương rẫy người ta đã không đánh giá được các tri thức bản địa của người dân địa phương để ứng dụng vào cuộc sống đương đại, thế nên có lúc người ta chỉ luôn luôn nhăm nhăm mang khoa học kỹ thuật về dạy cho người dân thì thật là nực cười (Cười).Xin cảm ơn PGS!

"Nhiều nhà dân tộc học, nhân học văn hóa và xã hội, trong đó có giáo sư Từ Chi đã nói rồi, nói rất rõ và dễ hiểu: "dân tộc học là học dân". Các nhà nghiên cứu về với người dân để học cách sống, cách ứng xử đời thường, học văn hóa, học tri thức của họ. Tất cả những gì nhà dân tộc học làm, nói đúc kết cô đọng lại đó là việc học dân, hoặc từ những con người bình thường nhất".

"Cuộc sống đời thường của người dân dù ở đâu đi chăng nữa họ đều có các ứng xử, các hành vi văn hoá thích hợp với cuộc sống, điều kiện kinh tế -xã hội, hoàn cảnh môi trường sinh thái của họ. Nếu họ không thích ứng được với môi trường sinh thái của họ thì họ sẽ bị hủy diệt ngay. Nhà dân tộc học phải phản ánh được quá trình người ta làm thế nào để thích ứng được cuộc sống đó".

PGS.TS Nguyễn Văn Huy

Lê Ngọc Sơn (thực hiện)
Nguồn: http://www.svvn.vn/vn/news/thoisu/2165.svvn

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHÂN TÍCH CÂU HỎI NGHIÊN CỨU VÀ GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU QUA ĐỀ TÀI ĐIỀU TRA DI CƯ VIỆT NAM NĂM 2004: DI DÂN VÀ SỨC KHỎE

LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP TRONG NGHIÊN CỨU NHÂN HỌC